Những thông tin sơ bộ về kinh nghiệm mua nhà trả góp
Mua nhà trả góp là gì?
Hiện nay, mua nhà trả góp đang trở thành xu hướng thịnh hành được nhiều người quan tâm, đặc biệt là nhóm người trẻ hoặc vợ chồng mới cưới. Vậy thuật ngữ này chính xác là gì?
Cụ thể, mua nhà trả góp có nghĩa là sở hữu bất động sản mà không cần trả trước 100% giá trị. Chủ nhân chỉ cần bỏ ra trước tối thiểu khoảng 25-30% giá trị của căn nhà; số tiền còn lại được cho vay bởi ngân hàng và trả dần theo thời hạn. Trong khoảng thời gian này, số tiền vay gốc và lãi vay sẽ được thanh toán với lãi suất đã được thỏa thuận trong hợp đồng.
Ngoài ra, với một số hình thức cho vay, khoản vay sẽ được thế chấp bằng chính căn nhà định mua hoặc tài sản đảm bảo. Trong đó, tài sản đảm bảo ở đây có thể là sổ tiết kiệm, những giấy tờ có giá trị hoặc quyền sở hữu tài sản (đáp ứng các quy định của Nhà Nước).
Có nên mua nhà trả góp không?
Đa số khách hàng đều mong muốn và có nhu cầu sở hữu một tổ ấm riêng để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trên thực tế, với cộng đồng người trẻ hay những cặp vợ chồng mới cưới, chưa có nhiều tích lũy tài chính, việc mua nhà vẫn luôn là một bài toán nan giải.
Bởi lẽ đó, phương pháp mua nhà trả góp được xem như phương án tối ưu giúp khách hàng “chạm tay” tới những tổ ấm mơ ước một cách nhanh chóng, đồng thời giảm bớt gánh nặng kinh tế trong thời gian dài.
Tìm hiểu kinh nghiệm mua nhà trả góp sẽ giúp cư dân đưa ra được những quyết định đúng đắn về tổ ấm tương lai
Để trả lời cho câu hỏi: “Có nên mua nhà trả góp không?”, khách hàng cần dựa trên khoản cố định thu nhập hàng tháng, sau đó cân đối với chi phí sinh hoạt cũng như nhu cầu sở hữu nhà ở nhằm đưa ra quyết định chính xác nhất. Tuy nhiên, để tránh áp lực trả nợ “đè nén”, nhiều chuyên gia tư vấn khuyên các cá nhân và hộ gia đình nên tích lũy ít nhất 50% giá trị của căn nhà.
Các bước thực hiện để mua nhà trả góp
Trước khi tiến hành quá trình mua bán, khách hàng nên tham khảo một số hướng dẫn mua nhà trả góp như sau:
-
Kiểm tra và nộp báo cáo tín dụng: Điều này sẽ giúp ngân hàng đánh giá được tình trạng tài chính như đã từng chậm tiền trả góp hay có những khoản “nợ xấu” nào không. Nếu khách hàng có hồ sơ báo cáo tín dụng sạch sẽ và minh bạch, việc cho vay mua nhà sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.
-
Đảm bảo khả năng chi trả: Một trong những điều mà ngân hàng quan tâm đến là tính ổn định và thâm niên công tác của người vay. Từ đó, tổ chức cho vay sẽ đánh giá được khả năng chi trả thông qua thu nhập công việc và đưa ra quyết định cho vay.
-
Cung cấp giấy tờ chứng minh: Phía ngân hàng sẽ cần xác định nguồn thu nhập của người đi vay ít nhất là trong 2 năm gần đây và bản sao kê ngân hàng (hoặc bảng lương) của 6 tháng gần nhất để đánh giá được tình trạng tài chính của người vay. Bởi vậy, để thông qua thủ tục mua nhà trả góp, khách hàng cần cung cấp và chuẩn bị các giấy tờ chứng minh tuỳ theo yêu cầu của từng ngân hàng.
Một số kinh nghiệm mua nhà trả góp khách hàng cần nắm rõ
Xác định khả năng chi trả của bản thân
Trước khi quyết định mua nhà trả góp, khách hàng nên tự đánh giá khả năng cân đối tài chính của bản thân như có đủ khả năng chi trả khoản vay cũng như các khoản chi phí hàng tháng khác từ việc mua sắm, ăn uống, tiền điện, tiền nước,... hay không.
Bởi lẽ, việc vay ngân hàng không phải là vấn đề dễ dàng, đòi hỏi người vay phải có khả năng chi trả thực tế, nếu không sẽ dẫn đến những tình trạng như “nợ xấu”, “nợ chồng thêm nợ”, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cũng như công việc làm ăn sau này.
Với rất nhiều loại hình nhà ở hiện nay, khách hàng nên chọn nhà dựa trên nhu cầu thực tế của gia đình - Kinh nghiệm mua nhà trả góp
Lựa chọn căn nhà phù hợp với tài chính và nhu cầu
Khi mua nhà trả góp, việc tìm chọn những căn hộ phù hợp với mục đích, nhu cầu sử dụng cũng góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho người đi vay. Đơn cử như gia đình 3 thành viên, sở hữu một căn hộ 1 - 2 phòng ngủ đã có thể đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cơ bản của các thành viên. Việc lựa chọn các căn hộ quá lớn như căn 3 - 4 phòng ngủ vô hình trung sẽ tạo ra những khoản nợ không cần thiết.
So sánh loại hình nhà ở mục tiêu tại các dự án khác nhau
Theo các nhà đầu tư bất động sản nhận định, một bước quan trọng khách hàng cần làm là đưa ra bảng so sánh về loại hình nhà ở mục tiêu tại nhiều dự án khác nhau trước khi quyết định mua. Chẳng hạn, với các căn hộ chung cư, khách hàng có thể đánh giá dựa vào những yếu tố như: vị trí, tiến độ dự án, mức giá chung so với phân khúc trên thị trường, tiến độ thanh toán và các chính sách hỗ trợ đi kèm, chi phí và lãi suất ngân hàng trả góp là bao nhiêu.
Nắm vững được thông tin và quy tắc lãi suất phạt của ngân hàng
Một số những quy tắc “vàng” mà khách hàng cần quan tâm khi tiến hàng mua nhà trả góp là thông tin về lãi suất của ngân hàng và các khoản phạt đi kèm.
Đầu tiên, những khoản vay của ngân hàng thường áp dụng các biên độ thay đổi lãi suất cho vay từ 6 đến 12 tháng. Trên thực tế, nhiều ngân hàng sẽ áp dụng cho vay với gói lãi suất ưu đãi từ 8,5 - 9%/ năm nhưng chỉ áp dụng từ 6 đến 12 tháng đầu khi vay. Đối với những tháng tiếp theo, người vay sẽ phải chịu mức lãi suất tăng cao hơn mức ban đầu.
Dựa theo kinh nghiệm vay mua nhà trả góp, khách hàng cần xem xét kỹ mức lãi suất đi kèm ghi trên hợp đồng để đảm bảo khả năng kiểm soát tài chính phù hợp.
Ngoài ra, một số chính sách phạt nợ khi khách hàng thanh toán dứt nợ cũng được nhiều ngân hàng áp dụng. Tuy nhiên, không phải người đi vay nào cũng để ý đến vấn đề này. Thông thường, mức phạt sẽ rơi vào khoảng 1-3%, do đó, khách hàng cần kiểm tra cẩn thận các điều khoản để giảm thiểu những phát sinh không mong muốn.
Nghiên cứu kỹ càng về thông tin dự án và chủ đầu tư
Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến việc mua nhà trả góp. Nếu lựa chọn chủ đầu tư không uy tín, thiếu rõ ràng và minh bạch, trong quá trình thanh toán và bàn giao căn hộ, khách hàng có thể sẽ mất toàn bộ số tiền mình bỏ ra.
Chính vì vậy, những người có nhu cầu mua nhà trả góp cũng cần nắm bắt được quá trình phát triển và kinh doanh cũng như chất lượng công trình, tiến độ bàn giao sổ hồng, hợp đồng ký kết của bên chủ đầu tư trước khi đưa ra quyết định mua nhà.